Mỗi lần trong lòng bộn bề những suy nghĩ, tôi đều đến vãn cảnh ở các ngôi chùa. Ngồi lặng yên trên những hàng ghế đá trong khuôn viên chùa lắng nghe tiếng chuông chùa vang vọng, hay thành tâm thắp một nén nhang, tôi đều thấy tâm hồn trở nên nhẹ nhõm, an nhiên hơn. Ở Hà Nội, có rất nhiều ngôi chùa nổi tiếng, không chỉ vãn cảnh mà quanh năm du khách đến đây nườm nượp những mong cầu bình an cho gia đình, cuộc sống thịnh vượng, may mắn. Cùng zagranmama.com điểm qua những ngôi chùa nổi tiếng ở Hà Nội bạn nhé!
Thu về trên dòng Suối Yến - Ảnh: Cao Anh Tuấn
Được mệnh danh là “nam thiên đệ nhất động”, chùa Hương xứng đáng là ngôi chùa đáng ghé thăm nhất khi đến Hà Nội. Hàng năm, danh thắng này đón hơn 1 triệu du khách thập phương về viếng thăm vào tất cả các mùa trong năm, nhưng đông đúc nhất vẫn là mùa lễ hội từ tháng Giêng cho đến tháng 3.
Bạn đang xem: Tên một ngôi chùa ở hà nội
Tọa lạc ở huyện Mỹ Đức, từ trung tâm thành phố Hà Nội, đi xe máy hoặc ô tô xuôi về hướng tây khoảng 70 km bạn sẽ đến bến thuyền. Sau đó xuôi theo dòng suối Yến thơ mộng bạn sẽ đến được chùa Hương. Trên dòng suối Yến, hoa súng nở rực rỡ, soi bóng xuống làn nước trong vắt, cúi xuống bạn sẽ nhìn thấy cả rong rêu dày đặc xen kẽ nhau, hai bên dòng suối là những dãy núi trập trùng nhấp nhô.
Khi thuyền cập bến, bạn sẽ phải leo bộ một quãng khá xa để lên đến động Hương Tích, nếu mệt bạn có thể đi bằng cáp treo để lên được đến đỉnh. Chùa Hương còn có một tên gọi khác là chùa Trong bởi vì nằm ở trong động Hương Tích.
Động Hương Tích được người đời ví von như một con rồng, còn phần cửa hang được liên tưởng đến hàm của con rồng đang há miện rộng, bên trong hàm rồng thênh thang và sâu hun hút. Trong lòng hang có sự đối xứng hoàn hảo. Ở giữa miệng rồng là Đụn Gạo được tạo nên từ các thạch nhũ được ví như là lưỡi của con rồng. Cũng giống như những hang động khác của Việt Nam, động Hương Tích cũng có nhiều măng đá, nhũ đá hình dáng kì lạ rũ từ trên xuống.
Hàng năm, cứ mỗi độ xuân về, chùa Hương lại tấp nập các phật tử hành hương về cõi đất phật để dâng lên các loại hoa thơm trái ngọt, cầu mong cho một năm an lành thuận buồm xuôi gió.
Chùa Một Cột là ngôi chùa có kiến trúc độc đáo nhất Châu Á. Đây được xem như một trong những công trình cổ kính nhất Hà Nội và là biểu tượng cho thủ đô nghìn năm văn hiến.
Về mặt kiến trúc, chùa Một Cột có thiết kế đơn giản nhưng mang đậm tính nhân văn và âm dương ngũ hành. Chùa được xây dựng bởi một khối nhà hình vuông bên ngoài tượng trưng cho dương, còn một cột tròn bên trong để nâng đỡ tượng trưng cho dương. Trong dương có âm, âm nâng đỡ cho dương, âm dương hòa quyện vào nhau như trời đất tuần hoàn. Bốn góc của mái chùa được uốn thành hình đầu rồng.
Chùa Một Cột được xây dựng trên một hồ nước, trong hồ được trồng rất nhiều sen thể hiện cho những gì thanh tao và thoát tục nhất. Chùa vừa có vẻ đẹp uy nghi và trang nghiêm lại vừa tao nhã, nhẹ nhàng. Phía trên của chùa ở vị trí trung tâm đặt bức tượng Quan Âm Bồ Tát tọa trên một đài sen khổng lồ bằng gỗ được sơn son.
Chùa Trấn Quốc là một trong những ngôi chùa cổ kính nhất Hà Nội. Tọa lạc giữa Hồ Tây, ngôi chùa này được mệnh danh là “viên ngọc trong lòng hồ Tây”. Với giá trị về lịch sử cũng như vẻ đẹp trầm mặc của chùa, chùa Trấn Quốc là một di sản văn hóa cần được giữ gìn và bảo tồn.
Lối vào chùa nằm trên con đường Thanh Niên, đối diện với hồ Trúc Bạch thuộc quận Tây Hồ. Chùa có kiến trúc độc đáo, hài hòa, cùng với phong cảnh thiên nhiên xung quanh làm nên một bức tranh phong cảnh hữu tình. Chùa có rất nhiều tượng phật được sắp xếp từ lớn đến bé. Điểm nhấn của ngôi chùa này là tòa tháp lục được xây bằng gạch đỏ ở chính giữa chùa. Trước cổng chùa có cây bồ đề lớn, được chiết từ cây bồ đề cổ thụ do tổng thống Ấn Độ tặng vào năm 1959.
Từ xưa, chùa Trấn Quốc đã là nơi các vua quan thường xuyên lui đến để vãn cảnh, làm thơ, đàm đạo chuyện chính sự hay làm lễ, Tết. Ngày nay, chùa còn là điểm đến cho du khách thập phương tham quan và thắp hương mưu cầu cuộc sống ấm no, thanh bình. Chùa được xếp vào di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia.
Chùa Quán Sứ là một ngôi chùa tọa lạc trên phố Quán Sứ thuộc quận Hoàn Kiếm. Đây là ngôi chùa nổi tiếng linh thiêng và là trụ sở của giáo hội Phật giáo Việt Nam. Ngôi chùa này được xây dựng từ thế kỷ XV và từ đó đến nay, trải qua hơn 6 thế kỷ, ngôi chùa cổ kính này đã và đang chứng kiến nhiều sự kiện mang tính lịch sử quan trọng của giáo hội Phật giáo.
Điều đặc biệt ở chùa Quán Sứ đó là tất cả các câu đối ở trong chùa đều được viết bằng chữ Quốc Ngữ. Vào những ngày mùng 1, ngày rằm, đặc biệt là các ngày lễ phật đản, các phật tử hội tụ về đây rất đông, đông đến mức làm tắc cả một quãng đường dài.
Với những du khách yêu thích du lịch tâm linh thì khi đến với Hà Nội không thể bỏ qua chùa Quán Sứ trong hành trình của mình được, nếu chưa đến chùa Quán Sứ thì coi như chưa đến Hà Nội.
Kim là vàng, liên là sen, “Kim Liên “ có nghĩa là “Sen Vàng”. Tên gọi của ngôi chùa cổ kính vào bậc nhất Hà Nội này mang ý nghĩa biểu tượng cho sự thanh tao, cao quý, thoát tục của đạo Phật. Ngôi chùa được ví von với một bông sen vàng tọa lạc giữa lòng Hà Nội.
Ngôi chùa này nằm ở trên con đường Nghi Tàm, bên bờ của Hồ Tây, thuộc quận Tây Hồ. Tục truyền rằng, đây là nơi ngày xưa công chúa Từ Hoa con gái của vua Lý Thần Tông cùng với các cung nữ đã trồng dâu nuôi tằm để dệt vải nơi này. Tên gọi Nghi Tàm cũng từ đó mà có.
Chùa được xây dựng mang dáng dấp của kiến trúc cung đình cũ. Trên các cột, mái, vòm được chạm trổ các hình rồng, phượng uốn lượn tượng trưng cho sự uy nghiêm, lộng lẫy của chốn cung đình. Các chi tiết khác của chùa được dựng lên hoàn toàn từ các loại gỗ quý hiếm, không bị mối mọt tàn phá. Hiện nay, công trình này vẫn được giữ gìn cẩn thận và được xếp vào một trong những di tích lịch sử văn hóa cần được bảo tồn của nước ta.
Chùa Láng còn có tên gọi là Chiêu Thiền Tự, tọa lạc ở trên con đường Láng Thượng thuộc quận Đống Đa, Hà Nội. Ngôi chùa được xây trong một khuôn viên khá rộng, nhiều cây cổ thụ yên tĩnh và thanh bình. Xung quanh, cây cối xanh tươi mát mẻ và trong lành khiến cho những du khách tới đây đều có một cảm giác êm đềm và an yên, khiến cho những tâm hồn đang nổi bão cũng hóa thành thư thái.
Chùa Láng được xây dựng từ thời vua Lý Thần Tông với mục đích là thờ Từ Đạo Hạnh, là một nhà tu hành đắc đạo nổi tiếng bởi đạo hạnh hơn người. Trong chùa có ngôi tượng Đạo Hạnh được đan bằng mây tre, bên ngoài phủ một lớp sơn son để bảo quản theo năm tháng. Ngoài ra, ở sân chùa còn có 15 tấm bia đá.
Chùa được xưng tụng là “đệ nhất tùng lâm” của thành Thăng Long bởi khuôn viên rộng rãi và mang giá trị lịch sử lớn. Hàng năm, chùa thu hút khá đông khách thập phương đến dâng hương và vãn cảnh, thỏa mãn trí tò mò về một ngôi chùa có bề dày lịch sử nổi tiếng. Hiện nay, chùa đã được trùng tu nhiều lần nhưng vẫn mang đậm nét cổ xưa, hoài niệm.
Đi lễ chùa đầu năm hay các ngày rằm, mùng 1 trong tháng là một nét văn hóa lâu đời của người Việt Nam nói chung và đối với người miền Bắc thì thói quen này không thể thiếu được. Trên đây là những ngôi chùa cổ kính nổi tiếng nhất ở Hà Nội. Hãy một lần ghé thăm để cảm nhận được sự bình yên, thư thái trong tâm hồn bạn nhé!
Lọ Lem - zagranmama.com
Nội dung bài viết thuộc bản quyền của zagranmama.com (Không bao gồm hình ảnh). Mọi sao chép cần ghi rõ nguồn, tên tác giả, nhiếp ảnh gia cùng với liên kết về nội dung tương ứng tại zagranmama.com..